10 CÁCH TĂNG CƯỜNG OXI CHO BỂ CÁ CẢNH - THỦY SINH

10 CÁCH TĂNG CƯỜNG OXI CHO BỂ CÁ CẢNH - THỦY SINH 


Bài trước mình có 1 bài chuyên về sủi nhưng có lẽ chưa làm các bạn thỏa mãn. Vì vậy mình làm tiếp 1 bài nữa để giải tỏa. Các bài viết của mình thường rất dài sẽ ít người đọc, hoặc đọc không hết sẽ khó nắm được cái nhìn tổng thể. 

Như mình đã nói cá tự nhiên hoàn toàn không có máy sủi. Đa số phát minh con người đều học từ tự nhiên nên cứ nhìn vào tự nhiên là hiểu ra vấn đề. Oxi trong nước luôn đủ cho nhu cầu các sinh vật dưới nước. Đó là do áp suất khí quyển sẽ làm cho độ hoàn tan oxi trong nước thường là 8-10ppm nên dù cá đông vẫn đủ dùng. Cứ nhìn những ao cá koi hay những ao hàng tấn cá thịt cũng rất ít dùng sủi. Kể cả trại cá, bể cá rồng diện tích 2000m2 có hàng nghìn con cá của chàng trai 1988 ở Hồ Chí Minh tên Trí cũng không dùng máy sủi, chỉ trang bị để phòng và dùng khi cá mới về. 

Máy sủi chỉ là một công cụ tạo oxi bên cạnh rất nhiều công cụ khác, như bài mình nhấn mạnh là lọc nước và trang trí. Và có cả phân tích khi nào nên sử dụng ở cuối bài nhưng bài dài chắc không mấy ai đọc đến đó. Việc dùng sủi quá mạnh cũng lợi bất cập hại mà hầu như không ai chú ý. Chỉ làm theo một cách máy móc, và nghĩ là sủi càng mạnh càng tốt. Bể càng to máy sủi càng lớn. Đó thực sự cần nghiêm túc nhìn lại. Còn thú chơi thì ai thích chơi thế nào thì tùy thôi, dùng đôi khi chỉ cho đẹp. 

Nhưng không dùng máy sủi không có nghĩa là không cần tăng cường oxi cho bể cá. Oxi ngoài tự nhiên vẫn 'chui' vào nước nhưng vì một số lý do nên nồng độ oxi đôi khi thấp hơn thông thường có thể làm cá ngoi lên mặt nước để ngớp. Như bể cá để trong nhà nước tĩnh không khí hạn chế lưu thông, bể có nắp sẽ hạn chế khuếch tán oxi, mật độ nuôi cá quá đông,... Mình nuôi rất nhiều cá trong nhiều năm bể mình có hay không dùng máy sủi cá vẫn khỏe. Sủi mạnh thì cá tèo khi mất điện còn đội không máy sủi vẫn ok. Còn để có cá khỏe nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố, oxi chỉ là phụ vì như đầu bài mình nói oxi luôn khuếch tán vào nước do áp suất. Còn không bao giờ cần lo lắng oxi cho vi sinh vì vi sinh chỉ cần nồng độ oxi 4ppm là thừa rồi. Thiếu oxi cá đi trước còn vi sinh vẫn sống nhăn răng. Việc tăng cường oxi cũng nên đủ dùng không phải cứ mạnh là tốt. 

Nguyên lý chung tạo oxi cho nước là tăng cường tiếp xúc không khí và nước; tăng cường chuyển động của các phân tử. Theo vật lý học thì các phân tử luôn chuyển động vì vậy chỉ cần tăng tiếp xúc + chuyển động thì các phân tử sẽ dễ dàng xâm nhập (hòa tan) hơn. Tại sao nước máy giàu oxi (cả CO2) vì quá trình xử lý nước chuyển động và tiếp xúc không khí rất nhiều. 

Vào đề hơi dài mà vẫn chưa vào đề tài chính là các cách tạo oxi cho bể cá - thủy sinh. Sau đây là một số cách: 

1. Cách 1 đương nhiên là máy sủi (kèm dây sủi, quả sủi (tên gọi chung các thiết bị tạo sủi như đá sủi, quả sủi, thanh sủi, đĩa sủi, cốc sủi...). Dùng cho các bể kín có nắp vì các cách tạo nhiễu động mặt nước khác đều không hiệu quả. Vì không có không khí lưu thông thì tất nhiên hiệu quả kém. Nên dùng công suất nhỏ đủ dùng. Các loại lọc có dùng máy sủi đương nhiên là đủ oxi. 

2. Máy kiêm sủi (máy lọc trong, máy bơm). Dùng cho các bể cá kín có nắp, không nắp. Nếu để máy sâu quá thì chênh áp suất không đủ thổi khí nên thiếu thẩm mỹ nên hầu như cũng không mấy người dùng ngoại trừ các cửa hàng bán cá. 

3. Máy hút váng: Tuy có dây sủi nhưng hầu như không mấy người dùng, bể thủy sinh nhìn bọt khí là như nước vẩn đục không thích lắm. Nước chuyển động chui vào chui ra từ việc hút váng bề mặt là đủ oxi dùng. 

4. Máy lọc như lọc thùng, lọc treo, lọc thác: Việc sử dụng máy lọc tạo dòng out có thể để trên mặt nước, bằng hay thấp hơn một chút để tạo sóng lăn tăn tăng cường chuyển động phân tử là cũng đủ oxi. Bể thủy sinh hay dùng các loại máy này, mà bể không nắp lại trồng nhiều cây nên bể thủy sinh không cần dùng máy sủi vẫn đủ oxi từ các loại máy lọc và cây. 

5. Máy thổi luồng: vừa có tác dụng mô phỏng dòng chảy tự nhiên cho cá. Nếu hướng lên trên tạo nhiễu động mặt nước cũng đủ oxi. 

6. Quạt mặt nước cũng có thể tạo nhiễu động mặt nước tăng cường hòa tan oxi. Thường các bể thủy sinh mùa nóng trang bị cái này. Ao hồ ngoài tự nhiên gió thổi sóng gợn lăn tăn là cũng đủ oxi cho cá rồi. 

7. Dùng lọc giàn mưa baki. Dùng cho các bể cá lớn. Bể cá rồng của Mr Trí mình nhắc ở đầu bài dùng cái này mình không thấy dùng máy sủi. 

8. Xả tràn dùng cho ao, bể lớn có hút mặt giữ mực nước cố định. Việc xả tràn liên tục bằng vòi nước nhỏ sẽ tạo cho nước bể luôn sạch sẽ không phải thay nước hay máy lọc cầu kỳ. Vòi để trên mặt nước nên 1 vòi nhỏ cũng đủ dùng cho ao cá lớn ngoài trời thông thoáng. Ao cá rồng của Mr Trí dùng cái này. Sủi chỉ để phòng và dùng khi cá mới về. Các bạn có thể tìm video về trại cá rồng của em Trí ở kênh Nguyễn Phát, Hugo Dương cũng như của chính em ấy ở kênh Cá rồng Việt Nam Arowana 880. 

9. Vòi phun nước,  đài phun nước, thác nước chảy: Trong các bể cá to hay bể bán cạn dùng cách này vừa đẹp vừa tăng cường oxi. Cách này chỉ cần dùng bơm là ok đẩy nước lên cao hơn mặt nước. 

10. Khuấy mặt nước: Cách này mình chưa thấy ai dùng cho cá cảnh nhưng vẫn dùng được nếu bể to dùng trang trí. Có thể nhìn thấy ở một số ao nuôi cá nuôi tôm. Các máy nổ được nối với cánh quạt quay làm tung nước lên nhìn vừa đẹp vừa tạo oxi.

Đây là các cách tăng cường oxi chung cho bể cá - thủy sinh tùy trường hợp áp dụng. Ví dụ thủy sinh thường sẽ chỉ dùng máy lọc hay lọc váng là đủ oxi vì cây nhiều, bể lại không nắp thoáng khí chỉ cần nhiễu động mặt nước là đủ. Dùng máy sủi có thể làm bay hơi nhanh CO2 khi trang bị bình khí CO2 nên không mấy người dùng.

Bạn còn cách nào để tăng cường oxi không?

Nguồn: Fb Phan Nguyễn 

Link bài viết: https://bit.ly/3zBDVQZ

Nguyễn Khoa Đăng

Kết nối, học hỏi, thành công

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn