TOÀN TẬP VỀ SỦI KHÍ (OXY) CHO BỂ CÁ – THỦY SINH

 TOÀN TẬP VỀ SỦI KHÍ (OXY) CHO BỂ CÁ – THỦY SINH

Mục Lục:
1. Khái niệm và thành phần
2. Các loại máy sủi khí
3. Tác dụng và ứng dụng của máy sủi
- Cung cấp oxi cho cá
- Lọc nước
- Trang trí
4. Tác hại của máy sủi
5. Khi nào cần trang bị
Chi tiết:
1. Khái niệm và thành phần
Máy sủi khí hiểu nôm na là một hệ thống lấy khí từ bên ngoài thổi vào trong nước. Máy mày hay được gọi tên là máy sủi oxi nhưng thực chất máy này không lọc oxi thổi vào bể cá mà chỉ đưa không khí vào bể qua đó tăng lượng oxi hòa tan vào nước. Mà sủi khí thì trong không khí có khí gì sẽ thổi hết vào bể nên không chỉ có oxi mà cả N2, CO2... N2 hầu như không có tác động gì cho bể cá nên không được nhắc đến, chỉ có O2 và CO2 là có ý nghĩa với cá cảnh thủy sinh. O2 được dùng cho hô hấp của cá và cây, CO2 dùng cho cây quang hợp. Nồng độ CO2 trong không khí rất thấp chưa đến 1% (khoảng 0,04%) nên hầu như cũng không được nhắc đến là một biện pháp cung cấp CO2 cho thủy sinh. Nồng độ O2 thì khá cao khoảng trên 20% nên có thể vì thế mà máy thường được gọi là máy sủi O2 thay vì máy sủi CO2. Còn bản chất chỉ là máy sủi khí (máy sục khí),…
Thành phân cơ bản của máy sủi khí gồm 3 phần: phần máy, phần dây sủi và quả sủi. phần máy sẽ quyết định mức độ mạnh yếu luồng khí qua máy thường đo là lít/phút, dây sủi là dây dẫn khí từ máy vào quả sủi, quả sủi sẽ trộn không khí vào nước. Mình tách riêng 3 thành phần để mọi người hiểu chi tiết và muốn tăng chất lượng sủi thì tăng cái gì. Máy sủi có nhiều tác dụng không chỉ cung cấp oxi cho bể cá nhưng nếu muốn tăng chất lượng sủi thì các bạn biết cần phải tăng cái gì rồi chứ! Đó là quả sủi, quả sủi càng mịn càng nhỏ (nhìn khí nổi lên càng nhỏ) thì sẽ hòa tan được càng nhiều oxi cho bể. Cho nên nếu mua máy sủi 200k mà quả sủi trụ 5k bọt khí rất to thì hầu như hiệu quả cũng không cao.
2. Các loại máy sủi khí
Xét theo độ chuyên thì sẽ phân ra 2 loại: máy sủi và máy kiêm sủi.
Máy sủi thì chỉ có 1 chức năng duy nhất là sủi khí. Và hầu như hãng sản xuất thiết bị bể cá nào cũng có. Máy sủi bể cá phổ biến là Gex (êm nhất mình biết), SOBO, COCO, YEE, ATMAN, Hailea, JEBO, HP,… Ngoài ra có những máy sủi công suất lớn được gọi với các tên máy sủi công nghiệp như Heilea, RESUN, JEBO,… Giá cả rất rẻ chỉ từ vài chục nghìn là đã có những máy cũng khá êm. Ví dụ như COCO 501 chỉ 50k,…
Ngoài các máy sủi chạy điện phố biến ở trên thì cũng có những máy sủi chạy pin, chạy ác quy hay máy sủi tích điện để phòng mất điện. Đặc biệt chú ý máy sủi tích điện khi nuôi cá to, mình sẽ nói rõ hơn ở phần tác hại của máy sủi.
Máy kiêm sủi gồm có máy lọc (điển hình là dòng lọc RS như RS188,… RS602…, RS703,…); máy bơm ví dụ Atman, JEBO; máy lọc váng như Sunsun,… Những máy kiêm sủi dựa vào nguyên lý vận tốc cao áp suất giảm nên đầu ra dòng những máy kể trên có đoạn nối dây sủi để dẫn khí vào bể. Điều lưu ý là nếu đặt các máy kia sâu trong nước thì độ chênh áp suất không đủ để thổi được khí.
3. Tác dụng của máy sủi:
Với tất cả các máy sủi thì đều có chức năng thổi khí vào bể cá vì thế chức năng đầu tiên là cung cấp oxi vào bể cho cả cây và cá.
Riêng máy sủi chuyên sẽ có những ứng dụng khác như sau:
3.1 Máy lọc: Ứng dụng hữu hiệu nhất của máy sủi vì vừa cung cấp oxi vừa lọc nước. Và khi rất nhiều bể không cần sủi oxi đặc biệt là bể thủy sinh hầu như không mấy người trang bị thì ứng dụng lọc lại rất hữu hiệu khi tiết kiệm điện năng hơn so với dùng bơm. Tên là máy sủi nhưng lại dùng như máy lọc nghe có vẻ hơi lạ nhỉ. Thực ra ứng dụng này dựa trên nguyên lý airlift, khi khí nhẹ bay lên nước sẽ bị trống do vậy nước chỗ khác sẽ tràn vào chiếm chỗ. Lợi dụng việc đó có nhiều ứng dụng cho việc lọc nước, chỉ cần cho thêm ống định hướng vào sẽ tạo ra dòng chảy tự nhiên (trừ lọc đảo kaldnes). Điển hình là các loại lọc sau:
- Lọc bio hay còn gọi là lọc vi sinh như các loại lọc XY, QS, lọc chế,… dùng cho bể mini nuôi tép hay cá nhỏ hay cả cá to ở các cửa hàng bán cá cảnh.
- Lọc đáy, lọc đài thường dùng cho bể bé nuôi tép hay cá nhỏ.
- Lọc đảo kaldnes: thường dùng cho các bể cá lớn lọc tràn dưới hay bể cá koi. Vì cần tạo dòng chảy lớn cho các hạt kaldnes chuyển động nên máy sủi cần công suất lớn ví dụ HP4000, HP8000,…
- Lọc vách: dùng thay thế bơm rất tốt, muốn tăng dòng chảy thì tăng công suất máy sủi lên là được. Dùng được cho bể nano, mini đến bể vừa. Ít người dùng cái này nhưng mình lại rất thích vì nó tốn ít điện hơn so với dùng bơm, không lo rò điện, thay nước không phải tắt bơm như khi dùng bơm hay lọc khác. Mình đã làm cho bể từ nano đến bể 1m thấy rất ok.
3.2 Trang trí
Một số người chỉ cần thấy sủi lăn tăn trong bể cho vui mắt chứ cũng không quan tâm mấy tác dụng. Ngoài ta có thể kể tên một số ứng dụng phổ biến như:
- Thác cát: tự ghép đá sỏi hay mua sẵn
- Chong chóng dưới nước: thường mua sẵn
- Dòng sông dáy bể: có những ống nhựa rỗng bên trong đặt chìm dưới đáy bể tạo hiệu ứng dòng sông nhìn khá vui.
4. Tác hại của máy sủi
Chắc không mấy ai đề cập đến vấn đề này nhưng quan sát một thời gian của các anh em chơi cá thì mình cần đưa vấn đề này để các bạn chú ý hơn. Đó là hiện tượng cá die cả bể khi mất điện từ vài tiếng trở lên mà chủ nhân đi vắng không có các biện pháp kịp thời. Hiện tượng thường gặp ở các loại cá to như cá vàng, cá đĩa, cá rồng,... Thông thường khi nuôi cá rất nhiều AE trang bị sủi mạnh quả sủi mịn nên nước rất giàu oxy. Khi mất điện lượng oxy này mất đi mà cá đã quen với môi trường giàu oxi sẽ không chịu nổi, đầu sẽ bị trắng và chế.t nếu không sục khí kịp thời. Mình gọi là hiện tượng cá bị ngộp thở.
Mặt khác với những bể bé nano, mini trang bị sủi sẽ tạo ra dòng mạnh cá không có trạng thái nghỉ ngơi sẽ mệt rồi đi sớm.
Ngoài tự nhiên cá hoàn toàn sống khỏe không có máy sủi oxi, khi nuôi cá trong bể tất nhiên có là tốt nhưng nhiều khi cố quá thành quá cố. Vì vậy nên chú ý một trong các điều sau để phòng tránh:
- Để sủi oxi nhẹ nhàng trừ bể có lọc dùng máy sủi thì không nói, bể mình ngoài trời sủi tậm tịt có lúc không sủi cá vẫn ok không thấy ngoi lên ngớp.
- Có thể tắt bật theo giờ để cá quen cả môi trường có và không có máy sủi, nhất là bể thủy sinh ban đêm cây thở chứ không quang hợp nhả oxy nữa thì có thể bật máy sủi khi tắt đèn. Mình nói thế thôi chứ các bể thủy sinh thường nuôi ít cá và bể không nắp lượng oxy khuếch tán của không khí cũng đủ cá dùng nên hầu như bể thủy sinh ít người dùng máy sủi. Ban đầu khi setup thường thay nước hàng ngày hoặc 2-3 mà trong nước máy thường giàu CO2 lẫn O2, mà ban đầu bể thủy sinh thường chưa thả cá nên O2 đủ để cây dùng.
- Dùng các máy sủi tích điện, sủi pin sủi ắc-quy để phòng tránh nhất là những bể có sủi mạnh như đảo kaldnes, lọc có dùng sủi mạnh. Sủi tích điện đều có thời hạn sử dụng sau khi mất điện thường là 6h, 12h, 24h nên cần chú ý theo dõi.
5. Khi nào cần trang bị máy sủi
Các trại cá thường để sủi cho cá lớn nhanh tuy nhiên góc độ người chơi không cần cá lớn nhanh nên hạn chế và sủi nhỏ đủ dùng cho cá. Những người bán thủy hải sản cũng hay dùng vì mật độ nuôi cá cao.
Những bể không cần trang bị sủi là các bể cá ngoài trời, bể không nắp mật độ nuôi vừa phải,...
Còn sau đây là những trường hợp cần trang bị:
- Dễ nhận thấy khi đọc phần trên là trang bị khi máy lọc có dùng máy sủi. Chú ý phòng khi mất điện với các bể nuôi cá to, cá đắt.
- Với bể cá có nắp thì lượng khí lưu thông chậm sẽ làm cản trở sự khuếch tán của không khí vào nước. Quan sát cá ngoi lên mặt nước đớp đớp liên tục là hiện tượng thiếu oxy cần trang bị máy sủi. Cũng nên trang bị máy sủi nhẹ nhàng đủ dùng.
- Khi bể cá đông mật độ cao: Quan sát cá ngoi lên mặt nước đớp đớp liên tục là hiện tượng thiếu oxy cần trang bị máy sủi. Cũng nên điều chỉnh từ nhỏ và quan sát cá không bơi lên mặt nước ngớp nữa là ok. Một số máy sủi có điều khiển lượng khí từ nhỏ đến to như GEX2000 hoặc một số máy sủi chỉ có 2 nấc mạnh hoặc yếu thì điều chỉnh nhỏ trước, cá đủ thì ok, sau này máy cũ dẫn lượng khí yếu thì có thể tăng dần lên. Còn nếu máy sủi không có điều chỉnh khí có thể dùng van sủi để điều chỉnh lượng khí, van sủi chỉ 1-2k/cái rất tiện lợi, khí có rò rỉ chút cũng không sao.
Như mình nói ban đầu máy sủi mạnh hay yếu không quan trọng bằng quả sủi mịn sẽ hòa tan được nhiều oxy hơn nên không cần mua máy sủi công suất lớn trừ lọc có dùng máy sủi. Còn thì tùy các bạn dùng bất kỳ máy nào, khi nào nếu thích. Chỉ lưu ý trường hợp mất điện đột ngột.

Nguồn: Fb Phan Nguyễn
Link bài viết; https://bit.ly/3xmI747
Nguyễn Khoa Đăng

Kết nối, học hỏi, thành công

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn